Khi bị đóng mã số thuế, doanh nghiệp có được xuất hóa đơn không? Thủ tục xin mở lại mã số thuế thực hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết dưới đây.
Đóng mã số thuế là gì?
Trạng thái mã số thuế của doanh nghiệp trên hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế bị khóa được gọi là đóng mã số thuế. Khi bị đóng mã số thuế, doanh nghiệp không thực hiện được các công việc như:
- Nộp tờ khai.
- Nộp thuế.
- Thay đổi nội dung trong đăng ký kinh doanh.
- Nộp báo cáo sử dụng hóa đơn…
Tại sao doanh nghiệp bị đóng mã số thuế?
Theo Điều 16, Thông tư 95/2016/TT-BTC, doanh nghiệp đóng mã số thuế trong các trường hợp:
– Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản.
– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Tổ chức lại doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Thông tư 80/2012/TT-BTC, doanh nghiệp bị đóng mã số thuế khi:
– Doanh nghiệp ngừng khai thuế, nộp thuế mà không thông báo với cơ quan thuế.
– Quá thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế, cơ quan thuế gửi công văn thông báo mà không có phản hồi từ phía doanh nghiệp.
– Cơ quan thuế kiểm tra không thấy doanh nghiệp hoạt động tại cơ sở đã đăng ký với cơ quan thuế.
Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn khi đã đóng mã số thuế không?
Căn cứ pháp lý
Trích Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC:
“Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).”
Doanh nghiệp không được xuất hóa đơn khi đã đóng mã số thuế
Căn cứ vào quy định trên, doanh nghiệp không được xuất hóa đơn khi đã đóng mã số thuế. Khi đóng mã số thuế, nếu doanh nghiệp vẫn xuất hóa đơn thì hành vi đó bị coi là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị xử lý như sau: Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC: Doanh nghiệp bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Xin mở lại mã số thuế doanh nghiệp như thế nào?
Nếu doanh nghiệp bị đóng mã số thuế do vi phạm pháp luật thì hãy thực hiện thủ tục xin mở lại mã số thuế như sau:
Trước hết, doanh nghiệp cần tìm ra lý do bị đóng mã số thuế để có biện pháp khắc phục.
Ngay sau đó, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp để khắc phục sai sót đó.
Tiếp theo, doanh nghiệp gửi công văn xin mở lại mã số thuế cho cơ quan thuế. Căn cứ vào mức độ vi phạm, cơ quan thuế sẽ lập biên bản vi phạm đối với người nộp thuế và ra quyết định xử phạt.
Sau khi người nộp thuế chấp hành xử phạt vi phạm xong thì cơ quan thuế sẽ tiến hành các thủ tục mở lại mã số thuế cho doanh nghiệp.
Như vậy, câu hỏi “Doanh nghiệp có được xuất hóa đơn khi đã đóng mã số thuế không?” đã có câu trả lời. Bạn đọc nên nắm được thông tin này để chủ động trong công việc của mình. Hy vọng bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc. Chúc các bạn thành công.