Quy định về khoản vay nước ngoài phải thực hiện đăng ký với NHNN, Bãi bỏ 6 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội,… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2022 (từ ngày 11 – 20/11/2022).
1. Quy định về khoản vay nước ngoài phải thực hiện đăng ký với NHNN
Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
Theo đó, khoản vay nước ngoài phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
– Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
– Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
– Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
(Hiện hành Thông tư 03/2016/TT-NHNN quy định: trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên).
2. Bãi bỏ 6 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Có hiệu lực từ ngày 15/11/2022, Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội:
– Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
– Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/7/2016 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP .
– Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
– Thông tư 18/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 8 điều 1 Nghị định 76/2017/NĐ-CP .
– Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
– Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
3. Các lĩnh vực người có chức vụ khi thôi giữ chức không được thành lập doanh nghiệp
Nội dung đề cập tại Thông tư 60/2022/TT-BTC danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ không được thành lập, điều hành doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 17/11/2022.
Cụ thể, các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, điều hành doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ bao gồm:
– Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
– Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
– Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
– Quản lý nhà nước về hải quan.
– Quản lý nhà nước về giá.
– Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
– Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
– Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
– Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
– Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
– Quản lý nhà nước về tài sản công.
Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ thực hiện theo Điều 6 Thông tư 60/2022/TT-BTC.
4. Sửa Thông tư về định giá dịch vụ sự nghiệp công bảo trì đường thủy nội địa
Thông tư 23/2022/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 38/2020/TT-BGTVT hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Trong đó, sửa đổi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 38/2020/TT-BGTVT như sau:
– Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn về phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP.
(Hiện hành, quy định thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ‘nguồn vốn’ ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên).
– Đối tượng áp dụng:
Thông tư 38/2020/TT-BGTVT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
Cho phép vận dụng để xây dựng dự toán gói thầu trong trường hợp chưa có hướng dẫn khác để xây dựng dự toán gói thầu dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. (Nội dung bổ sung)
Thông tư 23/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 18/11/2022.
Nguồn: Thư Viện Pháp Luật