Nếu không nắm rõ được bản chất vấn đề, đôi khi kế toán không tránh khỏi phân vân trong việc hạch toán vào công cụ, dụng cụ (CCDC) và chi phí trả trước. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ khi nào thì hạch toán vào công cụ dụng cụ, khi nào hạch toán vào chi phí trả trước.
Công cụ, dụng cụ
Công cụ dụng cụ là những tư liệu lao động của doanh nghiệp, tham gia vào một hay nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh. Cũng giống như tài sản cố định, công cụ dụng cụ cũng bị hao mòn dần về mặt giá trị trong thời gian sử dụng.
Theo quy định trong Thông tư 45/2013/TT-BTC thì công cụ dụng cụ là những tư liệu lao động có giá trị nhỏ hơn 30 triệu đồng và thời gian phân bổ tối đa không quá 24 tháng. Ngoài ra, tư liệu lao động nào không đủ tiêu chuẩn để trở thành tài sản cố định thì được coi là công cụ dụng cụ.
Chi phí trả trước
Khái niệm
Chi phí trả trước là một khoản chi phí có các tính chất sau:
- Chi phí này đã phát sinh.
- Có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ của công ty.
- Chưa được tính hết vào chi phí trong kỳ của doanh nghiệp.
Các nội dung được phản ánh là chi phí trả trước
Đây có thể là chi phí mà công ty bỏ ra để mua công cụ dụng cụ hay tài sản cố khác. Cụ thể, theo Thông tư 200, chi phí trả trước bao gồm:
– Chi phí trả trước về thuê cơ sở hạ tầng, thuê hoạt động tài sản cố định. Ví dụ như: quyền sử dụng đất, nhà xưởng, cửa hàng,… phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán.
– Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động (phân bổ tối đa không quá 3 năm).
– Chi phí mua bảo hiểm và các loại lệ phí, doanh nghiệp mua và trả một lần cho nhiều kỳ kế toán.
– Công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến hoạt động kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán.
– Chi phí đi vay trả trước về lãi tiền vay hoặc lãi trái phiếu ngay khi phát hành.
– Chi phí sửa chữa tài sản cố định phát sinh một lần có giá trị lớn và doanh nghiệp không trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định. Trường hợp này phân bổ tối đa 3 năm.
– Số chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê tài chính hoặc thuê hoạt động.
– Hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ công ty mẹ – công ty con, có phát sinh lợi thế thương mại hoặc khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có phát sinh lợi thế kinh doanh.
Hạch toán công cụ, dụng cụ, chi phí trả trước
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 242 – Chi phí trả trước
Bên Nợ: các khoản chi phí trả trước phát sinh trong kỳ.
Bên Có: các khoản chi phí trả trước đã tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Số dư bên Nợ: các khoản chi phí trả trước chưa tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Bên Nợ:
– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho.
– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê.
Bên Có:
– Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho.
– Chiết khấu thương mại được hưởng khi mua công cụ, dụng cụ.
– Trị giá công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá.
– Trị giá công cụ, dụng cụ phát hiện thiếu khi kiểm kê.
Số dư bên Nợ: trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho.
Hạch toán công cụ, dụng cụ và chi phí trả trước
Đối với CCDC dùng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ, khi xuất dùng hoặc cho thuê, kế toán ghi như sau:
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước
Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
Định kỳ, kế toán phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ theo tiêu thức hợp lý. Các tiêu thức có thể sử dụng như thời gian sử dụng hoặc khối lượng sản phẩm, dịch vụ mà công cụ, dụng cụ tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng kỳ. Khi phân bổ, kế toán ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642
Có TK 242 – Chi phí trả trước.
Qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu rõ khi nào thì hạch toán vào công cụ dụng cụ, khi nào hạch toán vào chi phí trả trước.