Vừa là thầy giáo, lại là doanh nhân, anh Trịnh Đình Cường (SN 1982), hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của 3 doanh nghiệp – một doanh nhân trẻ tiêu biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là tấm gương để nhiều người học tập.
K hởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu, anh Cường hiện là một trong số những doanh nhân thành đạt ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khởi nghiệp bằng nghề – “truyền thụ chất xám”
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế Toán, năm 2005, người trai xứ Thanh lựa chọn Vũng Tàu là điểm khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Để mưu sinh, anh “chạy sô” đi “buôn chữ” cho các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, như Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học Kỹ nghệ Vũng Tàu, Đại học Tôn Đức Thắng, Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu… với môn Kế toán, Thuế & Kiểm toán. Và cứ đều đặn, ban ngày anh là nhân viên kế toán, tối kín tuần với lịch lên lớp.
Không những thế, rảnh rỗi lúc nào, anh vẫn nhận tài liệu về để vừa học hỏi, vừa làm thêm để kiếm sống. Nhớ lại những ngày đó, anh bộc bạch: “Thời điểm ấy, tôi làm nhiều lắm, gần như không có thời gian để nghĩ xem mình có… mệt không. Tôi vừa đi dạy, vừa đi làm thuê, bươn trải cuộc sống hàng ngày cho gia đình, mà rồi cái sự cuồng nhiệt vươn lên của sức trẻ không cho mình được phép gục và thế là cứ đi lên thôi”.
Theo anh Cường: “Nghề giáo là một trong những nghề cao quý, đòi hỏi nhiều kỹ năng chứ không riêng kiến thức. Khi đứng trên bục giảng, bạn phải là diễn viên, là nhà hùng biện, là người kể chuyện và còn là một nhà tổ chức chuyên nghiệp. Thế nên, để có thể truyền đạt được tối đa lượng kiến thức mà mình muốn truyền thụ, thì bấy nhiêu yếu tố cũng chưa bao giờ là đủ. Giáo viên được yêu quý, tôn trọng vì rất nhiều lý do và có lẽ lý do mà họ được mọi người ngưỡng mộ nhất đó là lòng kiên nhẫn, là khả năng điều khiển và truyền đạt cho hàng chục con người”.
Ngồi lại một chút với cô trò nhỏ cũng là nhân viên loại ưu của anh giáo, chị Lê Thị Hồng (Trưởng phòng Dịch vụ Công ty TNHH DV Kế toán thuế Rồng Việt). Chị tâm sự: “Tôi thật sự là người may mắn mới có cơ duyên gặp được người thầy tâm huyết với nghề như thầy Cường. Sau giờ học, những vướng mắc ngoài giáo án, thầy vẫn ân cần chỉ dạy và hướng dẫn. Thầy đã cho tôi và các bạn đồng môn một nền tảng vững trong nghề. Tháng 11, thầy sẽ là người đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến, dù biết bao nhiêu lời cảm ơn cũng không bao giờ là đủ”.
Học sinh của “anh giáo” không chỉ xem anh là “ông thầy đa năng”, mà còn là một người bạn thân thiện, một người anh nghiêm khắc nhưng gần gũi, sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ mọi điều với các em.
Đến ngưỡng cửa của doanh nhân trẻ thành đạt
Song song với việc đi dạy và đi làm thuê, năm 2011, anh Cường bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bằng chính chuyên ngành học của mình.
Từ đó đến nay, anh đã mang theo mình hành trang của nhiều lắm những chức danh uy tín khác nhau: Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tài chính kế toán thuế Rồng Việt; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP sữa Bà Rịa – Vũng Tàu; Giám đốc Công ty TNHH TM & SX gỗ Rồng Việt; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Vũng Tàu; Phó chủ tịch Liên hiệp Thanh niên TP. Vũng Tàu; Thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế – xã hội (thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)… Dù vậy, anh vẫn giữ được cốt cách và phong thái của một người thầy. Và có lẽ, ngần ấy chức danh cũng chưa đủ để có thể nói hết về chân dung của một thầy giáo, của một doanh nhân trẻ thành đạt. Chỉ biết, hẳn anh đã có một chặng đường dài cho sự phấn đấu không ngừng nghỉ với tràn đầy nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ.
Anh cho rằng: “3 yếu tố từ cương vị thầy giáo giúp mình khởi nghiệp thuận hơn. Thứ nhất, vì sau những năm tháng đứng lớp, chuyên môn nghề nghiệp đã chín muồi, quá hiểu cả về lý thuyết, thực tế về tính chất khoa học trong công việc. Thứ hai, uy tín được tích lũy trong quá trình làm giáo viên cũng là điểm mạnh khi mình bước sang con đường mới – kinh doanh. Và nữa là nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính học viên của mình, từ những “sản phẩm vàng” của một người thầy có được. Có lẽ bởi thế, khởi nghiệp kinh doanh của mình sẽ nhanh hơn bình thường một chút”.
Theo anh thì nghề giáo về chuyên môn sẽ chuẩn mực hơn, đi theo lối mòn khuôn khổ, đạo đức, phải hoàn thiện mình để có thể là tấm gương cho học viên noi theo. Còn doanh nhân thì có sự tự do và đa dạng trong từng quyết định kinh doanh, nó cần sự tinh tế, nhạy cảm nắm bắt thị trường và những quyết định linh hoạt hơn theo thời cuộc để có thể mang lại lợi ích lớn. Nhưng 2 cương vị sẽ có những hỗ trợ đặc biệt để làm nên một thành công, ví dụ như khi cần đưa ra một quyết định, cần kiến thức chuyên môn vững, phân tích thấu đáo của một người thầy, anh cũng đã sẵn có. Nghề giáo trong khuôn khổ hơn, điềm hơn. Doanh nhân thì táo bạo hơn, quyết đoán hơn và mạnh tay hơn trong mọi quyết định của mình. Vì đã mang danh là một nhà giáo thì hãy còn e dè trong dư luận.
Đến với nghề giáo bằng đam mê, đi tới bằng mưu sinh thì khi đầy đủ hơn, anh quay lại với chính đam mê của mình với mong muốn cho đi những gì mình có. Có lẽ bởi thế, khi đã là một doanh nhân thành đạt, không còn “chạy” theo những buổi đứng lớp vì cơm áo gạo tiền, nhưng anh vẫn không muốn rời bục giảng, anh vẫn đứng lớp khi có cơ hội và thời gian. Bản thân là một doanh nhân, nhưng không muốn xa rời nghề giáo, anh vẫn giữ 2 cương vị song hành, vẫn làm kinh tế và vẫn đứng bục giảng.
Không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh, những buổi lên lớp hỗ trợ học viên của mình, anh Cường còn tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa, những hoạt đông thiện nguyện, ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, số phận kém may mắn; đặc biệt những chương trình nằm trong địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nguồn: http://thuonghieucongluan.com.vn/thay-giao-doanh-nhan-trinh-dinh-cuong-no-luc-de-thanh-cong-a25990.html