Thay thế mẫu thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn, chỉ tiêu phân loại nhóm nợ thuế có khả năng thu với hàng hóa xuất nhập khẩu,… là những quy định mới tại các văn bản nổi bật được cập nhật từ ngày 31/10 – 6/11/2022.
1. Thay thế mẫu thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn
Ngày 30/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Theo đó, thay thế mẫu Thông báo về việc ngừng sử dụng hóa đơn mẫu số 04-1/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP bằng Mẫu số 04-1/CC ban hành kèm theo Nghị định 91/2022/NĐ-CP.
Nghị định 91/2022/NĐ-CP còn bổ sung mẫu văn bản đề nghị điều chỉnh giảm tiền chậm nộp (Mẫu số 01/GTC).
Ngoài ra, Nghị định 91/2022/NĐ-CP còn bổ sung quy định kết thúc thời hạn sau đây:
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Nghị định 91/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2022.
2. Cách xếp lương chức danh nghề nghiệp họa sĩ
Đây là nội dung tại Thông tư 09/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/10/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật.
Theo đó, các chức danh nghề nghiệp họa sĩ được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng I được áp dụng hệ số lương từ 6,20 đến 8,00;
– Chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng II được áp dụng hệ số lương từ 4,40 đến hệ số 6,78;
– Chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III được áp dụng hệ số lương từ 2,34 đến 4,98;
– Chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng IV được áp dụng hệ số lương từ 1,86 đến 4,06.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng.
Như vậy, mức lương của chức danh nghề nghiệp họa sĩ cao nhất là 11.920.000 đồng, thấp nhất là 2.771.400 đồng.
Thông tư 09/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 15/12/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 07/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV.
3. Chỉ tiêu phân loại nhóm nợ thuế có khả năng thu với hàng hóa xuất nhập khẩu
Ngày 24/10/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 2317/QĐ-TCHQ về Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, nhóm nợ có khả năng thu gồm tất cả các khoản nợ phát sinh (trừ các trường hợp có thông tin xác định phân loại nợ theo các nhóm khác) sắp xếp theo tiêu chí:
– Tiền thuế nợ quá hạn chưa quá 90 ngày: các khoản nợ thuế đã quá hạn từ 01 ngày đến 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
– Tiền thuế nợ quá hạn quá 90 ngày: các khoản nợ thuế đã quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
– Nợ tiền phạt VPHC: khoản nợ phải nộp do quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan hoặc quá thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan.
(So với trước đây tại Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018, bổ sung quy định về thời gian quá thời hạn nộp phạt VPHC).
– Nợ tiền chậm nộp thuế: khoản nợ phải nộp do chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong quyết định ấn định thuế và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền.
(So với trước đây, bỏ quy định về chậm nộp tiền thuế so với thời hạn nộp dần tiền thuế).
– Nợ tiền chậm nộp phạt VPHC: khoản nợ phải nộp do chậm nộp tiền phạt VPHC so với thời hạn quy định, thời hạn ghi trong quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực hải quan. (Điểm mới được bổ sung)
– Nợ phí, lệ phí: khoản nợ phí hải quan; lệ phí đối với hàng hóa quá cảnh, phương tiện vận tải quá cảnh.
Ngoài ra, trong tiêu chí nhóm nợ thuế có khả năng thu với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không còn quy định đối với nợ trong hạn.
Quyết định 2317/QĐ-TCHQ có hiệu lực từ ngày 24/10/2022 và thay thế Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018.
4. Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý ĐVSN lĩnh vực văn hóa, du lịch
Đây là nội dung tại Thông tư 11/2022/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Theo đó, việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân tự nguyện xin thôi tham gia Hội đồng quản lý và được cấp có thẩm quyền chấp thuận;
– Có trên 50% tổng số thành viên của Hội đồng quản lý kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm;
– Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao;
– Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;
– Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
– Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và đơn vị nơi đang công tác;
– Vi phạm các quy định khác được quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý;
– Chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu, thôi việc;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý.
Nguồn: Thư Viện Pháp Luật